Trong khi giá nhà ở cao cấp tại các thánh phố lớn trên thế giới chững lại, giá nhà ở phân khúc này ở Việt Nam vẫn duy trì sức hút. Đặc biệt là khách quốc tế, cho thấy tiềm năng đầu tư của thị trường Việt Nam.
Nửa cuối năm 2018, tốc độ tăng giá nhà ở phân khúc cao cấp đã giảm đáng kể tại các thị trường hàng đầu trên thế giới. Mức tăng bình quân năm được ghi nhận là thấp nhất kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng trong 2018 thấp hơn so với mức tăng 3,3% của năm 2017. Chỉ số giá tăng chỉ 2,3% trong cả năm 2018, ghi nhận tốc độ tăng chậm hơn trong nửa cuối năm, chỉ 0,4%.
Theo một đơn vị hàng đầu về quản lý bất động sản, khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, dự kiến người mua sẽ tìm kiếm sự ổn định trong việc sở hữu và sử dụng BĐS dài hạn tại các thành phố mà những cá nhân giàu có trên thế giới muốn đến sinh sống và làm việc. Đây chính là yếu tố quyết định giá trị nhà ở cao cấp thời gian tới.
Tại các thị trường lớn trên thế giới như New York giá nhà đang giảm sút, giá căn hộ hạng sang trung bình là 2.610 USD/ft2 tương đương 28.094 USD/m2). Tại London thì mức giá này rơi vào khoảng 1.880 USD/ft2 (tương đương 20.236 USD/m2). Câu chuyện Brexit khiến thị trường London chững lại đồng thời làm tăng nhu cầu nhà ở tại thành phố lân cận. Nơi giá nhà đất thường thấp hơn và có tiềm năng tăng trưởng hơn.
Trong khi đó, tại thị trường châu Á, Hồng Kông liên tục chiếm vị trí cao nhất trong chỉ số giá nhà ở cao cấp 10 năm qua. Giá trị căn hộ hạng sang trung bình là 4.660 USD/ft2 (tương đương 50.160 USD/m2), cao hơn 50% so với Tokyo – thị trường đắt đỏ thứ hai châu Á. Còn tại, Thượng Hải – thị trường đắt thứ 5, giá giảm 1,7% do các chỉ tiêu cho vay chặt chẽ hơn, các chính sách hạ nhiệt và tăng thuế.
Tại thị trường Việt Nam, giá căn hộ tại TP HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường lân cận, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở TP. HCM cao hơn khi so sánh với các thị trường này.
Theo khảo sát, giá căn hộ tại khu trung tâm Tp. HCM đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 – 6.500 USD/m2, bằng một phần rất ít so với Hong Kong. Kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015, nhu cầu đầu tư vào BĐS ở Việt Nam đã tăng đáng kể. Nhiều nhà đầu tư nhận định đây là một kênh đầu tư hấp dẫn khi lợi nhuận cho thuê vượt quá 5%.
Mặc dù chặng đường để thị trường BĐS Việt Nam đạt đến đỉnh cao như Hong Kong và Singapore còn dài, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ tầng lớp trung lưu và giá cả phải chăng, theo dự báo của Savills, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước, trở thành mãnh hổ tiếp theo của Châu Á. Sự xuất hiện ngày một nhiều của những cơ hội đầu tư dài hạn trong phân khúc nhà ở cao cấp, đặc biệt là khi các chỉ số kinh tế vẫn phát triển vượt trội, người mua hoàn toàn sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị đầu tư.